Cổng thông tin
Các khoa
Bài báo
THẺ TỪ - BỘ DỤNG CỤ GIẢNG DẠY TRỰC QUAN, SINH ĐỘNG
Vũ Linh Huyền Trang
Khoa Quản lý xây dựng và đô thị
Trường Cao đẳng Xây dựng số 1-CTC1
I. Đặt vấn đề
Hiện nay, trong các trường cao đẳng, đại học nói chung, việc áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, chủ động, lấy người học làm trung tâm, tăng cường tương tác giữa giảng viên và sinh viên thay thế cho phương pháp giảng dạy truyền thống là thuyết trình đã được bàn đến rất nhiều. Tuy nhiên, tỷ lệ các môn học, các tiết học áp dụng được các phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại vẫn còn rất hạn chế. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân: do đặc thù môn học khó áp dụng các phương pháp mới; do giảng viên ngại thay đổi phương pháp giảng dạy; do sinh viên còn lười học, chưa tích cực tham gia xây dựng bài; do cơ sở vật chất, trang thiết bị, giáo cụ phục vụ công tác giảng dạy chưa đa dạng…Trong đó, việc sử dụng các trang thiết bị, giáo cụ phục vụ công tác giảng dạy hiện nay chủ yếu là xoay quanh bộ máy tính – máy chiếu và các mô hình được chế tạo sẵn. Các trang thiết bị, giáo cụ này hỗ trợ giảng viên rất nhiều trong tiết dạy nhưng có nhược điểm là sinh viên muốn chủ động thay đổi nội dung trong đó thì hầu như không thực hiện được.
Để phong phú hóa các trang thiết bị, giáo cụ phục vụ công tác giảng dạy, bộ môn Cấp nước và bộ môn Thoát nước, khoa Quản lí xây dựng và đô thị đã triển khai áp dụng các thẻ từ - bộ giáo cụ giảng dạy trực quan, sinh động áp dụng cho một số môn học tại lớp Kĩ thuật thoát nước và xử lý nước thải trình độ Cao đẳng (CTN1).
II. Giới thiệu bộ thẻ từ cho lớp Kĩ thuật thoát nước và xử lý nước thải trình độ Cao đẳng (CTN1)
Bộ thẻ từ
Mỗi nhóm công trình có thể có nhiều chủng loại khác nhau
Bộ thẻ từ dùng cho một số môn học tại lớp Kĩ thuật thoát nước và xử lý nước thải trình độ Cao đẳng gồm 2 mẫu thẻ.
Mẫu 1 gồm 60 thẻ, có kích thước 18cm x 12cm mô phỏng cấu tạo các công trình chính và phụ trong dây chuyền công nghệ xử lý nước thải. Mỗi nhóm công trình có thể có nhiều chủng loại công trình khác nhau.
Mẫu thẻ 1 – Các công trình chính và phụ
Mẫu thẻ 2 – Các trang thiết bị phụ trợ
Mẫu 2 có kích thước nhỏ hơn mô phỏng các trang thiết bị phụ trợ.
Bộ thẻ từ có thể dễ dàng gắn và tháo gỡ khỏi bảng từ xanh loại phổ biến hiện đã được trang bị tại tất cả các phòng học trong trường.
Khi sử dụng bộ thẻ từ trong giảng dạy môn học Xử lý nước thải bằng phương pháp hóa học và sinh học 1, giảng viên sẽ cung cấp bộ thẻ cho các nhóm sinh viên, các nhóm sinh viên dựa trên cơ sở dữ liệu được giao sẽ xây dựng các dây chuyền công nghệ xử lý phù hợp hoặc các loại sơ đồ thoát nước bằng cách gắn các chủng loại thẻ thích hợp lên bảng theo một trình tự hợp lý. Sinh viên có thể dùng thêm phấn màu để thể hiện đường ống liên kết giữa các công trình/thiết bị.
III. Ưu nhược điểm, khả năng áp dụng
Khi làm việc với thẻ từ, trong quá trình làm việc nhóm, các sinh viên bắt buộc phải trao đổi với nhau và tương tác với giảng viên một cách chủ động, giúp các em tham gia vào việc xây dựng bài nhiều hơn, nhờ đó các em hiểu và nhớ bài tốt hơn. Thái độ của các em trong giờ học cũng tích cực hơn rất nhiều so với các tiết học khác. Cô Lương Thị Phương Thảo, người đã trực tiếp sử dụng bộ thẻ từ giảng dạy cho biết, bộ thẻ từ rất thích hợp khi áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực, khi đó, giảng viên đóng vai trò là người định hướng, hướng dẫn sinh viên, còn sinh viên sẽ chủ động xây dựng nội dung bài học.
Sinh viên đang xây dựng sơ đồ hệ thống thoát nước và xử lý nước thải
Một sơ đồ ví dụ do các sinh viên xây dựng
“Tiết nào chúng em được sử dụng thẻ từ đều rất thích, vì chúng em có thể thay đổi ý tưởng dễ dàng, mà các bạn cũng tranh luận nhau kịch liệt để lựa chọn phương án hợp lý hoặc để thể hiện được ý tưởng một cách rõ ràng hơn nên chỉ một lúc là thấy hết giờ mà vẫn muốn học tiếp.” – Các sinh viên lớp Cao đẳng Kỹ thuật thoát nước và xử lý nước thải cho biết.
Tuy nhiên, việc đặt hàng sản xuất các thẻ từ này cho các môn học khác nhau có thể gặp khó khăn vì số lượng nhỏ hoặc giá thành tương đối cao. Các bộ môn có thể nghiên cứu áp dụng hình thức in ảnh và dùng nam châm thay thế cho các thẻ từ. Một phương án nữa là in ảnh và dùng băng dính đính lên các khổ giấy A1, A2…theo trình tự nhất định, phụ thuộc ý tưởng của sinh viên.
Bộ thẻ từ hoặc bộ ảnh thẻ thích hợp sử dụng trong các tiết học về các nội dung có nhiều thành phần khác nhau, trong đó việc lựa chọn chủng loại, số lượng các thành phần hoặc sắp xếp trình tự các thành phần sẽ tạo ra các kết quả khác nhau.
Về việc triển khai sử dụng thẻ từ trong giảng dạy, thày Nguyễn Thanh Vĩnh, phó trưởng khoa Quản lý xây dựng và đô thị cũng đề xuất phương án sử dụng bộ ảnh dạng file mềm, sinh viên sẽ sử dụng máy tính để làm việc với bộ ảnh dạng file mềm. Như vậy sẽ khắc phục được nhược điểm về kích cỡ bộ thẻ từ, sinh viên khó quan sát vì thẻ từ nhỏ, đồng thời, có thể đưa các ảnh 3D vào để nội dung sinh động, phong phú và chi tiết hơn.
IV. Đề xuất, kiến nghị
Qua thực tế giảng dạy tại một số tiết học của lớp CTN1 với kết quả tốt, đề nghị các bộ môn nghiên cứu triển khai áp dụng bộ thẻ từ hoặc bộ thẻ ảnh phối hợp nam châm một cách linh hoạt với các môn học phù hợp để tăng cường tính sinh động, trực quan trong mỗi tiết học, giúp bổ sung các ưu điểm, hạn chế các nhược điểm và phong phú hóa các trang thiết bị, dụng cụ giảng dạy hiện có.